Đóng phí sổ liên lạc điện tử 100.000 đồng, mỗi năm nhận được… chục tin nhắn

Nhiều trường thu phí sổ liên lạc điện tử hằng năm khoảng 70.000 -100.000 đồng, nhưng cả năm học phụ huynh chỉ nhận được một chục tin nhắn, tính ra phải trả từ 7.000 – 10.000 đồng/tin nhắn.

Là một phụ huynh có ba con đang theo học ở ba cấp THPT, THCS và tiểu học, tôi hiểu rất rõ sự giao tiếp giữa nhà trường và gia đình cực kỳ quan trọng trong việc theo dõi và định hướng kịp thời những phát triển của con em mình về mặt học tập, thể chất, nhận thức xã hội, thậm chí là cảm xúc. 

Đâu rồi sổ liên lạc viết tay?

Trước đây, giao tiếp này được thực hiện hiệu quả qua sổ liên lạc, bên cạnh những báo cáo về điểm số là những nhận xét chân thành của giáo viên về học lực, hạnh kiểm của con.

Kênh giao tiếp này càng hiệu quả hơn, khi chính phụ huynh cũng có trách nhiệm viết ra ý kiến của mình vào ô bên cạnh và ký tên vào đó. 

Tôi nhớ mình đã từng ghi dòng chữ “Cảm ơn thầy/ cô đã luôn bên cạnh bảo ban, dạy dỗ các con thay chúng tôi – những người làm cha làm mẹ bận rộn vì công cuộc mưu sinh…”. 

Tôi nhớ là tôi đã viết câu đó bằng tất cả niềm trân quý và xúc động.

Sau này, cùng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, trong bối cảnh chuyển đối số, kênh giao tiếp giữa nhà trường và gia đình cũng có ít nhiều thay đổi. 

Sổ liên lạc năm xưa giờ đã được thay thế bằng những nền tảng quản lý riêng, dần trở thành một kênh liên lạc không thể thiếu giữa nhà trường, giáo viên và phụ huynh. 

Tuy nhiên, sau một thời gian áp dụng, các app trường học đã cho thấy nhiều mặt hạn chế và bất lợi của nó đối với thói quen, khả năng thích nghi và thậm chí là cả thu nhập của phụ huynh chúng tôi.

Cụ thể là mỗi trường sử dụng những app khác nhau để quản lý học sinh, có trường liên lạc qua Zalo, trường thì giao bài qua Teams, trường trao đổi qua Vietschool, trường sử dụng EnetViet, K12Online, LMS, SSC, Sflink… 

Có trường còn phối kết hợp nhiều app khác nhau cho nhiều mục đích khác nhau: app dùng để đóng tiền học, app để làm bài tập, app để điểm danh, kiểm soát sai phạm và kỷ luật học sinh, thông báo các hoạt động của trường… 

Bên cạnh những nền tảng sử dụng miễn phí còn có những app buộc phải trả tiền theo từng tháng, từng học kỳ, hoặc trọn gói cả năm học tùy theo quy định của từng trường. 

Trường nào sử dụng càng nhiều app có thu phí, thì phụ huynh càng méo mặt vì số tiền phải trả cho app tăng gấp 2, gấp 3. Gia đình càng đông con thì con số này càng đáng để suy nghĩ và cân nhắc.

Chưa kể đối với các app đóng tiền học, phụ huynh còn phải chịu thêm một phí chuyển tiền khoảng 2.500 – 10.000 đồng tùy app cho một lần giao dịch. Có app còn yêu cầu tải thêm ví điện tử từ hệ thống, có app buộc phải nạp tiền tròn số chứ không chấp nhận số lẻ. 

Trong khi nếu chuyển khoản qua ngân hàng, phụ huynh chỉ cần quét mã QR một giây là xong.

Sổ liên lạc điện tử chỉ trao đổi một chiều, thu phí nhiều!

Lãng phí nhất là sổ liên lạc điện tử mà hiện nay hầu như trường nào cũng đang sử dụng. App này thu phí hằng năm khoảng 70.000 – 100.000 đồng, nhưng cả năm học có lẽ phụ huynh chỉ nhận được khoảng một chục tin nhắn, tính ra phải trả từ 7.000 – 10.000 đồng cho một tin. 

Bức xúc nhất là khái niệm “liên lạc” lẽ ra phải là một sự trao đổi hai chiều, nhưng với app này, phụ huynh chỉ nhận được tin nhắn thông báo một chiều từ phía nhà trường mà không thể phản hồi hay thắc mắc gì được. 

Nếu chỉ đơn thuần là nhận thông báo, thì các group Zalo mà hiện tại lớp học nào cũng đang sử dụng, lại hiệu quả hơn nhiều. 

Ít ra là nó miễn phí. Và nó cũng có thể trao đổi hai chiều từ phụ huynh và giáo viên trực tiếp đứng lớp của con mình. Như vậy thì vai trò của sổ liên lạc điện tử gần như bằng không?

Có một điều chắc chắn là không phải phụ huynh nào cũng giỏi công nghệ, thao tác trên app vì không thành thạo nên sẽ mất nhiều thời gian hơn là giao dịch trực tiếp, việc phải nhớ ID và mật khẩu cho từng app cũng là một vấn đề với những người quá bận rộn. 

Nhiều phụ huynh còn than vãn khi con làm bài tập trên app, giáo viên yêu cầu cha mẹ phải quay lại video cảnh con làm bài trên các ứng dụng gửi cho cô để đảm bảo rằng chính con là người thao tác chứ không phải cha mẹ hay ai khác. 

Điều đó mang lại nhiều phiền toái cho các bậc phụ huynh vốn đã quá mệt mỏi với công việc hằng ngày. Về đến nhà thay vì được nghỉ ngơi thì lại tiếp tục quản lý con cái học hành, trong khi trên thực tế thì đang phải trả phí cho một phần mềm quản lý. 

Một vấn nạn khác cũng đau đầu không kém là càng nhiều app buộc phải cài đặt thì phụ huynh buộc phải chia sẻ thông tin cá nhân trên các ứng dụng càng nhiều, nguy cơ bị lọt thông tin ra ngoài càng cao. 

Nhiều người không hiểu sao trong một thời gian ngắn mà có quá nhiều cuộc điện thoại rác gọi đến cho mình, biết mình là ai, biết nhà mình ở đâu, làm công việc gì, con mình học trường nào… 

Và không chỉ phải trả tiền cho các app, ở không ít trường phụ huynh còn tốn kém cho cái gọi là phí chuyển đổi số.

Với một phụ huynh đang nuôi không chỉ một mà đến ba đứa trẻ đi học, tôi thật sự đắn đo giữa một rừng app giáo dục hiện nay.

NHẤT NGỌC HẠNH

Nguồn: https://tuoitre.vn/dong-phi-so-lien-lac-dien-tu-100-000-dong-moi-nam-nhan-duoc-chuc-tin-nhan-20241110080853243.htm?gidzl=iSe3FvezfaEnqG0mcoAYGRVK13s0Bw0O_Di5FTOgeHhwZLGzrNgYGVNQLsVLVlGR_TzIPpCPmfT4cZ6bJG

Zalo
Tin nhắn
Điện thoại
Tin nhắn
Điện thoại
Zalo