TP.HCM tiên phong ứng dụng AI nâng cao chất lượng giáo dục

Sáng 22-11, UBND TP.HCM phối hợp với Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học chủ đề “Dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo trong giáo dục, từ thách thức đến đột phá”.

Hội thảo nhằm thúc đẩy tiến độ triển khai các nhiệm vụ, thực hiện hiệu quả Kế hoạch tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số của ngành GD-ĐT giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 của các tỉnh vùng Đông Nam bộ. Hội thảo có sự tham gia của đại diện Bộ GD-ĐT, UBND TP.HCM, Sở GD-ĐT các tỉnh vùng Đông Nam bộ…

Nhiều sáng kiến nền tảng của TP.HCM trong ứng dụng AI vào giáo dục

Phát biểu tại hội thảo, Nguyễn Bảo Quốc – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM thông tin, Sở GD-ĐT quản lý một mạng lưới các trường học với tổng quy mô hơn 1,7 triệu học sinh, khiến việc triển khai giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục trở nên cấp thiết.

Nhận ra tiềm năng của AI trong giải quyết các thách thức về giáo dục, sở đặt mục tiêu triển khai các giải pháp AI trên toàn bộ lĩnh vực giáo dục và đã khởi xướng nhiều chương trình thí điểm để tích hợp AI vào quản lý giáo dục và giảng dạy. Trong đó có 2 giải pháp AI do sở thí điểm: Mô hình hỗ trợ học sinh tự điều chỉnh lộ trình học tập của mình; mô hình dự đoán, đề xuất nội dung, kiến thức học sinh cần được bổ sung. 2 giải pháp sáng kiến này tận dụng các nguồn dữ liệu và hạ tầng hạn chế hiện có để nâng cao kết quả giáo dục.

Bằng cách tập trung vào các mô hình hỗ trợ lộ trình học tập được cá nhân hóa và phân tích dự đoán về nội dung kiến thức cần bổ sung cho học sinh, công nghệ AI có thể hỗ trợ cho khối lượng lớn giáo viên và học sinh trong việc tối ưu hóa, cá nhân hóa lộ trình học tập từ đó nâng cao chất lượng giáo dục của ngành theo diện rộng.

“Việc mở rộng tích hợp dữ liệu trên nhiều nền tảng, nâng cao chất lượng dữ liệu và thúc đẩy các nỗ lực hợp tác là rất quan trọng trong việc hiện thực hóa toàn bộ tiềm năng của AI trong giáo dục. Các sáng kiến của Sở GD-ĐT đặt nền tảng cho việc thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ AI trong giáo dục, với những tác động đến các chính sách nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ở diện rộng” – ông Quốc cho hay.

Theo ông Hồ Tấn Minh – Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM, TP đã hoàn thiện và triển khai kho học liệu số đối với cấp tiểu học Thuvienso.hcm.edu.vn. Lộ trình đến 2024, hoàn thiện kho học liệu dành riêng đối với cấp THPT đáp ứng Chương trình GDPT 2018. Tuy nhiên, thực tế các kho tài liệu số khi được thiết lập gặp nhiều khó khăn do hạn chế về kinh phí, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, nhiều kiến thức được đăng tải nhưng chưa được xác thực, chưa đồng nhất toàn bộ về kiến thức gây lãng phí thời gian, ngân sách.

Ông Hồ Tấn Minh – Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM chia sẻ về việc ứng dụng AI trong định danh đơn vị kiến thức Chương trình GDPT 2018

Ông Minh nhìn nhận, trong bối cảnh cần phải xây dựng một hệ thống học liệu số chuẩn hóa cho giáo dục hiện nay, việc nghiên cứu, vận dụng các mô hình chương trình giáo dục hàng đầu trên thế giới như Common Core (Mỹ), Cambridge International (Anh) và ACARA (Úc) đều đã chứng minh được tính hiệu quả và thiết lập ra những chuẩn mực cao trong giáo dục toàn cầu. Việc nghiên cứu và áp dụng các mô hình mã định danh này, có thể giúp nâng cao chất lượng và đẩy nhanh quá trình số hóa và xây dựng kho học liệu số đảm bảo về chất lượng và số lượng theo Chương trình GDPT 2018. Qua đó, cung cấp cơ hội cho mọi người tiếp cận giáo dục một cách linh hoạt và phù hợp với nhu cầu cá nhân, không phân biệt địa vị, vị trí địa lý hay độ tuổi.

“Để thực hiện thành công xây dựng kho học liệu, cần xem xét đến các yếu tố khách quan, chủ quan; đảm bảo về các nguồn lực: nhân lực, vật lực, tài lực và các điều kiện để duy trì hệ thống vận hành. Một kho học liệu số được định danh và phong phú về nội dung sẽ là nền tảng căn bản để tiếp tục hoàn thiện một khung đánh giá năng lực tổng thể, toàn diện, đáp ứng yêu cầu đáp ứng các mục tiêu chung của Chương trình GDPT 2018, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam” – ông Minh khẳng định.

Thay đổi nhận thức của đội ngũ về AI

Ông Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho hay, TP.HCM có nhiều thuận lợi khi đưa AI vào giáo dục với sự hỗ trợ đồng hành của nhiều doanh nghiệp. AI hỗ trợ giáo viên cá thể hóa quá trình dạy học, phân tích xu hướng dạy học, đưa ra giải pháp học tập tối ưu cho học sinh. Khi ứng dụng AI, học sinh được thỏa mình sáng tạo, học tập một cách chủ động. Đặc biệt, với công nghệ số, AI cũng giúp TP đưa các giải pháp giáo dục hiện đại đến với những vùng khó, nhất là ở vùng ngoại thành, rút ngắn khoảng cách chất lượng giáo dục giữa trung tâm, ngoại thành… Hơn hết, AI cũng mở ra nền tảng để đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học khi với sự hỗ trợ của công nghệ giúp việc giảng dạy tiếng Anh, dạy khoa học bằng tiếng Anh trở nên thuận lợi hơn.

Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu

Ông Nguyễn Sơn Hải – Cục trưởng Cục CNTT, Bộ GD-ĐT đánh giá cao sự chủ động, tiên phong của TP.HCM trong việc tích cực ứng dụng công nghệ mới trong ngành giáo dục. Bộ GD-ĐT xác định AI rất hữu ích cho ngành song cực kỳ thách thức nếu sử dụng không phù hợp. Hiện nay lãnh đạo bộ đang chỉ đạo các đơn vị xây dựng chiến lược ứng dụng AI trong ngành giáo dục, trong đó đặt ra các mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp, cách tiếp cận với người giáo dục….

“Để ứng dụng tốt AI trong giáo dục thì trước hết cần nâng cao nhận thức cho quản lý, giáo viên, người học để hiểu đúng về AI. Cạnh đó là cần tập huấn để đội ngũ sử dụng thành thạo được AI trong công việc, từng bước phổ biến kiến thức, hiểu biết về AI để học sinh có thể cư xử với AI phù hợp. Thông qua hội thảo, điều tôi cảm nhận được rõ ràng nhất đó là nhận thức của đội ngũ về AI trong giáo dục đã được thay đổi. Người thầy không còn “sợ” AI nữa mà thay vào đó là hiểu được rằng AI không thể thay thế được giáo viên mà chỉ là công cụ hỗ trợ, quyết định sử dụng AI là do thầy và trò” – ông Hải nhận định.

AI hỗ trợ đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2Bà Nguyễn Phương Lan – Phó Chủ tịch HĐQT, Giám đốc EMG Education đánh giá, AI có thể hỗ trợ giáo viên tạo ra nội dung học liệu phù hợp và hữu ích, đồng thời cung cấp cho giáo viên những thông tin chi tiết về kết quả học tập của học sinh. Bên cạnh đó, học sinh cũng có thêm cơ hội thực hành và nhận được những phản hồi từ AI, giúp các em phát triển các kỹ năng ngôn ngữ để tự tin vươn mình ra thế giới.Theo bà, với sự ra đời của các hệ thống Mô hình Ngôn ngữ Lớn (Large Language Models – LLM) hiện đại, AI Tạo sinh đã có bước tiến vượt bậc: Được tích hợp với nhiều lĩnh vực trong giáo dục. Đóng vai trò là cộng sự hợp tác với giáo viên và chuyên gia trong việc tạo ra nội dung học liệu. Tạo cơ hội giúp người học thực hành bằng việc đưa ra đánh giá và phản hồi tức thì.Từ đó, bà cho rằng ngành giáo dục hoàn toàn có thể ứng dụng AI Tạo sinh trong giảng dạy tiếng Anh như ngôn ngữ thứ 2.Bà Nguyễn Phương Lan – Phó Chủ tịch HĐQT, Giám đốc EMG Education cho rằng AI sẽ giúp thuận lợi khi đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học

Yến Hoa

Nguồn: TP.HCM tiên phong ứng dụng AI nâng cao chất lượng giáo dục – Tạp Chí Giáo Dục TP.Hồ Chí Minh

Zalo
Tin nhắn
Điện thoại
Tin nhắn
Điện thoại
Zalo