TP.HCM yêu cầu trường học công khai quy chế kiểm tra đánh giá học sinh ngay đầu năm học

Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu các trường công khai quy chế kiểm tra đánh giá học sinh năm học 2024-2025 trên cổng thông tin điện tử nhà trường ngay từ đầu năm học.

Ngày 17-8, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có hướng dẫn tổ chức kiểm tra, đánh giá học sinh trung học từ năm học 2024-2025.

Theo đó, Sở GD-ĐT yêu cầu nhà trường xây dựng và ban hành quy chế kiểm tra, đánh giá học sinh trước khi bước vào tuần đầu tiên của năm học, đảm bảo tính hệ thống, khoa học, chặt chẽ, quy định cụ thể.

Hiệu trưởng có trách nhiệm phổ biến thông tư, quy định, quy chế kiểm tra, đánh giá và cung cấp các thông tin về việc kiểm tra, đánh giá cho học sinh, phụ huynh.

Các thông tin về kiểm tra, đánh giá được công khai trên cổng thông tin điện tử của nhà trường.

Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu, căn cứ trên kế hoạch, quy chế kiểm tra, đánh giá của trường và tổ/nhóm chuyên môn, nhà trường phân công giáo viên xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá cho các lớp, khối lớp được phụ trách.

Công khai cho học sinh số lần, số điểm, hình thức kiểm tra, đánh giá thường xuyên và định kì; cách thức chọn lựa kết quả kiểm tra, đánh giá đối với những kiểm tra, đánh giá thường xuyên thực hiện nhiều lần trước khi tổ chức kiểm tra, đánh giá.

Kiểm tra đánh giá học sinh phải được thực hiện công bằng, minh bạch và đúng quy định. Hiệu trưởng tăng cường giám sát trong công tác kiểm tra đánh giá học sinh; thực hiện công tác kiểm tra nội bộ nhà trường đối với hoạt động kiểm tra, đánh giá để điều chỉnh kịp thời các sai sót.

Giáo viên công khai kế hoạch, tiêu chí kiểm tra đánh giá theo quy chế cho học sinh; tổ chức thực hiện kiểm tra, đánh giá học sinh đảm bảo công bằng, khách quan và đúng quy định.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm máy tính trong tổ chức, quản lý và thực hiện kiểm tra, đánh giá học sinh.

Khuyến khích kiểm tra qua thực hành, dự án học tập

Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu nhà trường xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá phù hợp với kế hoạch dạy học; không kiểm tra, đánh giá vượt quá yêu cầu cần đạt hoặc mức độ cần đạt của chương trình GDPT.

Thực hiện có hiệu quả các hình thức, phương pháp kiểm tra đánh giá, đánh giá thường xuyên và đánh giá định kì. Khuyến khích các trường xây dựng ngân hàng câu hỏi, ngân hàng đề kiểm tra.

Đối với các môn học, hoạt động giáo dục đánh giá bằng nhận xét, Sở khuyến khích kiểm tra, đánh giá định kì thông qua bài thực hành, dự án học tập phù hợp với đặc thù môn học, hoạt động giáo dục. Việc đổi mới phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá phải bảo đảm yêu cầu về tính trung thực, khách quan, công bằng, đánh giá chính xác kết quả học tập và rèn luyện của học sinh.

Hiệu trưởng quyết định hình thức, cấu trúc đề kiểm tra

Ông Nguyễn Bảo Quốc- Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM nhấn mạnh, nội dung đề kiểm tra được xây dựng dựa trên ma trận, đặc tả của đề kiểm tra, đáp ứng theo yêu cầu cần đạt của môn học được quy định trong Chương trình GDPT 2018.

Hiệu trưởng nhà trường quyết định hình thức, cấu trúc đề kiểm tra (tự luận, trắc nghiệm, trắc nghiệm kết hợp tự luận, tỉ lệ các mức độ câu hỏi, …) sau khi họp thống nhất với tổ chuyên môn; đảm bảo được đánh giá, phân loại học sinh theo quy định và theo quy chế kiểm tra đánh giá của nhà trường.

Thời gian kiểm tra định kỳ năm học 2024-2025: Giữa HKI sau tuần thứ 8 của HKI; Cuối HKI hoàn thành ngày 4-1-2025; Giữa HKII sau tuần thứ 7 của HKII; Cuối HKII hoàn thành ngày 17-5-2025.

Riêng môn học, hoạt động giáo dục có tiến trình dạy học khác với tiến trình chung, tiến độ thực hiện kiểm tra đánh giá phù hợp với tiến trình dạy học của môn học, hoạt động giáo dục, đảm bảo thời điểm hoàn thành theo kế hoạch năm học.

Đối với môn Ngữ văn, thực hiện kiểm tra, đánh giá theo Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH ngày 21-7-2022 của Bộ GD-ĐT.

Đối với môn Lịch sử; Địa lí; Lịch sử và Địa lí tăng cường các câu hỏi nhằm khai thác, sử dụng các nguồn sử liệu, tranh ảnh, lược đồ, bản đồ, câu hỏi mở nhằm tạo điều kiện cho học sinh biểu đạt chính kiến của mình, hướng tới đánh giá phẩm chất và năng lực học sinh, khắc phục tình trạng ghi nhớ một cách máy móc.

Thực hiện kiểm tra, đánh giá theo hình thức trực tuyến khi đảm bảo đủ các điều kiện theo quy định; bảo đảm chất lượng, chính xác, hiệu quả, công bằng, khách quan, trung thực; đánh giá đúng năng lực của học sinh.

Không kiểm tra những nội dung vượt quá yêu cầu cần đạt hoặc mức độ cần đạt của chương trình GDPT; không kiểm tra đối với các nội dung phải thực hiện tinh giản và các nội dung hướng dẫn học sinh tự học, tự làm, tự thực hiện, không yêu cầu, những nội dung yêu cầu học sinh thực hành, thí nghiệm.

Yến Hoa

Nguồn: https://giaoduc.edu.vn/tp-hcm-yeu-cau-truong-hoc-cong-khai-quy-che-kiem-tra-danh-gia-hoc-sinh-ngay-dau-nam-hoc/

Zalo
Tin nhắn
Điện thoại
Tin nhắn
Điện thoại
Zalo